Trong dịp hè, nhân ngày quốc khánh của Ai Cập, một cựu nhà báo địa phương có gia đình tại Na Uy đã mời vợ chồng mình đến nhà tổ chức ăn mừng với nhiều lý do: ngày lễ của quốc gia, những đòi hỏi của dân biểu tình Ai Cập được đáp ứng vào tháng 2 (bấp chấp những cuộc đấu khẩu dai dẳng sau đó trên các mặt báo về chuyển giao quyền lực cho phía nào là hợp lý và sự chờ đợi có thể là lâu dài để có được ngày bầu cử dân chủ như ý), mùa hè vẫy gọi trên xứ sở lạnh giá, ... Tất nhiên cuộc ăn mừng diễn ra trong không khí tràn đầy niềm hi vọng của bạn hữu gần xa và trong sự tưng bừng nhờ khả năng "lưu linh" của người dân xứ Bắc Âu. Mặc dù ai cũng hiểu là cần phải chờ đợi rất lâu trước khi thấy được kết quả sáng sủa của sự đấu tranh này.
Thực ra, ngay từ lúc rục rịch biểu tình ở Ai Cập nhờ phản ứng lan tỏa của "Cách mạng hoa nhài", mình đã không mấy tin tưởng vào kết quả của đấu tranh "nóng vội". "Kết quả của nóng vội chỉ là sự hỏng việc mà thôi". Tuy vậy, mình cũng đã rất háo hức khi được biểu tình một cách chính thống trước tòa nhà quốc hội ở Oslo, mặc dù chỉ là ăn theo những kiều bào của Ai Cập ở đây.
Những bài phân tích về tình hình Cairo trong tuần này lại càng khẳng định sự thiếu tin tưởng của mình, khi chỉ vài ngày nữa là đến bầu cử chính thức của Ai Cập mà lại nổ ra bạo loạn biểu tình. Nguyên nhân chính là dân chúng lo sợ sự kéo dài quyền lực của phe quân sự, vốn nắm quyền tạm thời sau thành công của dân chúng nhờ phản đối hồi tháng hai.
Nghĩ cho cùng thì có thể liên kết các yếu tố lại hợp thành một nguyên nhân của tình trạng "vỏ dừa" mà nhân dân Ai Cập phải gánh chịu ngày hôm nay: thiếu một đường lối đúng đắn cho "sự bức xúc" của mình trong cái "thời của sự bức xúc" của thế giới. Thêm vào đó là thiếu một nhà lãnh đạo kiên tâm trong sự đấu tranh của mình, cho dù là có đấu tranh ôn hòa bằng biểu tình đi nữa. Vì thiếu hai yếu tố chủ chốt trên mà sau khi ép được "trái dưa" không có sự ủng hộ của quân đội Mubarak từ chức, dân chúng đã giao nhầm quyền lực lại cho phía quân đội. Giờ thì biến tướng của "trái dừa" quân đội đi về đâu?... còn phải chờ đợi xem những phản ứng của tuần này và tuần tới thế nào nữa!!!
Nhưng dù sao thì ta cũng có quyền hi vọng. Và hi vọng rằng, đây sẽ là một bài học quý cho những động thái tại những nơi khác trên thế giới, đặc biệt là khi ánh sáng phía Tây của Đông Nam Á đang le lói.
Oslo ngày 22 tháng 11 năm 2011.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét