Hôm trước tôi có về Hà Lan thăm gia đình. Má chồng tôi có một mảnh vườn rất xinh. Hễ vào mùa xuân thì mấy chị bông lại đỏng đảnh, tí tách khoe dáng. Nào là các chị popie mỏng manh nhưng lại hay thích đùa với mấy anh gió. Trong khi các chị viola tuy cứ cái tật xấu hổ, lúc nào cúi hơi cúi mặt nhưng lại thích "tám" với ông đất. Còn mấy chị hồng trắng kiều diễm thì lại mắc cái tật kiêu sa. Thế nhưng tôi chắng muốn dành bài viết này cho mấy chị bông đâu, tôi thấy mấy chú chim có vẻ thú vị hơn.
Lúc đi Hà Lan lần đầu tiên, tôi hơi ngạc nhiên khi so sánh với những gì mình đọc trên sách báo bấy lâu. Nghe nói đây là nước khá công nghiệp hóa, dân số lại đông nên tôi nghĩ chẳng có nhiều những khoảng xanh. Vậy mà ngược lại là đằng khác, đi từ thủ đô Amsterdam lên phía Bắc của đất nước, một màu xanh nông nghiệp lại thoai thoải trải dài. Người dân ở đây lại thích làm vườn, nên nhà ai cũng có một khoảng đất nho nhỏ cho khu vườn của mình. Trong những khu vườn ấy, người ta không chỉ dành chỗ cho cây, cho hoa mà cho cả chim chóc nữa. Mùa đông lạnh chim chóc hiếm thức ăn nên người ta thường để một cái hộp nhỏ, mua thóc lúa rồi bỏ vào đó. Chim đói và dần dà đến đó kiếm thức ăn mỗi ngày mà không hay biết về thói quen của mình. Ngoài những chú chim thường gặp như chim chích, se sẻ, bồ câu, còn có quạ xám trắng, cuốc, cò... Rồi mùa xuân, tuy no đủ thức ăn ở các nơi khác, những các chú chim vẫn đến thăm nhà mặc dù người ta chẳng bỏ thức ăn vào hộp nữa. Món quà mà những người chủ nhà được hưởng là tiếng ríu rít vui vẻ, đôi khi còn được thưởng thức những tiếng hót thánh thót của các chú nữa, không chỉ một mùa mà tới bốn mùa lận. Chim trời cá nước, vậy mà đôi khi người ta ở những nơi khác lại chẳng hiểu cho.
Hồi tôi còn làm ở Hà Nội, chị Hồng phiên dịch đôi khi ăn cơm trưa cứ nhắc mãi câu chuyện của bác trưởng dự án hỏi chị sao ở đây không thấy mặt quạ xám. Ở Nhật hay thấy nó lắm, quạ ở đấy không mang ý nghĩa tượng trưng cho điềm xấu, ở Châu Âu này cũng vậy. Họ quen với ý nghĩ quạ là sứ giả của thần thánh hơn. Nhưng mà thôi, chẳng đề cập đến ý nghĩa làm gì, mỗi nơi thì lại mỗi khác. Có điều là ở mình, người ta thích thú với vật sở hữu riêng hơn. Cho nên chim đến nhà là người ta đem ná ra bắn, đem lồng chứa thức ăn ra nhử, thậm chí còn lấy lưới ra giăng nữa. Những con chim tội nghiệp bị thúc quản nào có phát triển được. Đã thế người ta còn muốn vật sở hữu riêng của mình có suy nghĩ, hành động theo ý của mình nữa kìa. Vì thế con chim nào dám hó hé hót theo ý thích của mình với giọng điệu riêng là bị bịt miệng, lột lưỡi ngay. Tôi còn nhớ mãi cái hình ảnh con sáo của anh nhà hàng xóm nằm chết trân trong chiếc lồng ngà với cái mỏ rỉ máu. Lý do chỉ vì chẳng thể thốt lên được lời nào trong những từ anh ấy dạy cho, cứ khục khặc mãi trong họng những lời của chính mình. Cuối cùng anh ấy mất kiên nhẫn khi nghe "người ta bảo" phải lột lưỡi nó thì nó mới nói theo mình được.
Cái giống chim tội nghiệp nhất ở Việt Nam phải kể đến là giống chim sẻ. Có thể nói chim sẻ ở mình là một giống chim rất là "đại đồng", rất là "quần chúng", có thể sống ở mọi nơi, mọi địa hình, mọi hoàn cảnh. Ngoài cái nạn bị bắt để làm món nhậu, làm thuốc chữa bệnh và để phục vụ nhiều mục đích khác, thỉnh thoảng chúng còn bị đem ra để làm vật hiến tế nữa. Cho nên thỉnh thoảng trên các phương tiện thông tin đại chúng lại rộ lên cái tin người ta bắt chim sẻ đem bán ở các đển chùa cho người hành hương đem thả phóng sanh rồi sau đó giăng lưới phía sau chùa để tiếp tục vòng đời của sản phẩm.
Tôi hay tự hỏi trong số những con chim ấy, có con nào nhận thức được mục đích thực sự của cuộc đời mình, tìm cách lâu dài để thoát khỏi cái vòng lẩn quẩn của mình hay không? Có thể có đấy chứ, chẳng hạn di cư sang những nơi khác tốt đẹp hơn, để ríu rít cho đời, cho người và cho mình. Thực ra cách này chỉ là hạ sách. Tôi thấy phục những chú chim dũng cảm ở lại và quay trở lại để đấu tranh! Chỉ có điểu cần nhận biết được lúc nào gạo kém, kinh tế khó khăn, người ta lại đem mình ra làm mục tiêu của dư luận, hướng sự chú ý vào mình. Ví dụ như ở quận 14 ở thành phố A2 có thông tin: ủy ban nhân dân quận đang xem xét việc tập trung bất thường của các bầy chim sẻ từ đồng bằng phía Tây và sẽ nghiên cứu việc ra một chỉ thị mới quản lý bầy chim sẻ và những người bắt chim sẻ trên địa bàn để bảo vệ sự phát triển của loài cũng như sự thông thoáng cho môi trường địa phương...
Oslo ngày 27 tháng 11 năm 2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét