Hè rồi nhân dịp đám cưới một người bạn ở Đức mà mình được gặp cụ Berlin. Có thể nói tuổi cụ đã rất cao, bao binh biến, loạn lạc trong đời đều đã kinh qua cả. Những nếp nhăn cổ kính trên mặt cụ, thân thể cụ cũng đủ để chứng minh điều đó. Mình thấy gai gai nơi sống lưng khi đứng trước bức tường lịch sử, như một vết sẹo cắt ngang thân thể một con người đang mờ dần theo thời gian. Nhưng những sự kiện, những tài liệu và lời những nhân chứng sẽ còn tồn tại mãi mãi để nói lên những tranh đấu của con người cho một cuộc sống tốt đẹp hơn. Phải, chỉ có thời gian mới có thể thử thách để dần lộ ra những ý tưởng vĩ đại, những mối quan hệ bền vững, hay những hương thơm chỉ là thoáng qua rồi biến mất theo những cơn gió dữ.
"Đất lành chim đậu", nếu phía Đông của cụ Berlin mà ấm no hạnh phúc thì đã không có chuyện hàng ngàn người dân bấp chấp hiểm nguy, đánh đổi cả số mệnh của mình để vượt làn lửa của quân đội phía Đông. Những tàn tro còn sót lại của cái làn lửa ấy đã nhen nhóm suốt thời gian qua để rồi sẽ bùng cháy sau cuộc bầu cử nước Nga. Vì vậy mà chẳng cần phải tự hỏi về yếu tố ngạc nhiên trong kết quả sắp tới của cuộc bầu cử mà phần lớn những người đi bầu phải "sống trong sợ hãi" hoặc "bị bắt đi bầu" này. Không biết "tên bù nhìn bảnh trai" của nước Nga có luyến tiếc không khi từ bỏ đế chế của mình, nhường chỗ cho kẻ giật dây thực sự? Chắc chẳng có gì mà phải luyến tiếc khi cái đế chế ấy đang đứng thứ 154 trên 183, dưới cả một số nước CHXHCN hiện hành, về tỉ lệ minh bạch, là nơi diễn ra những cuộc tàn sát Hồi giáo đẫm máu cũng như là một trong những nơi thiếu dân chủ nhất thế giới. Và cũng chính ở đây, số lượng những người phải ngồi tù không qua xét xử hay xét xử trá hình vì bất đồng chính kiến gấp hàng chục lần, thậm chí hàng trăm lần, số lượng "che mắt thiên hạ" của những tỉ phú mới nổi.
Thất vọng thay khi thế giới đang trải qua những "lịch sử được lặp lại". Khi cuộc bầu cử ở Ai Cập sẽ có thể phải đến tháng ba năm sau mới ngã ngũ trong sự nắm quyền tạm thời của cái quân đội không dễ dàng từ bỏ quyền lực của mình. Và dù cho có kết quả cụ thể đi nữa thì cũng chưa chắc sẽ khác lắm so với sự kiện năm 1989 và 1990 tại Myanmar. Trên mạng tin tức hôm nay, lại có tin người biểu tình ở Syria vốn được gây cảm hứng từ âm hưởng của Cách mạng Hoa lài nhằm lật đổ một chế độ độc tài gia đình trị lại tiếp tục bị đàn áp đẫm máu...
Oslo ngày 04 tháng 12 năm 2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét