Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2011

Tản mạn trên xứ sở của hoa anh đào - Phần 2

Thật khó để nói về những góc khuất của những gì mà mình nhìn thấy. Ai cũng bảo, cứ vô tư đi, cứ tận hưởng nhé, cái hay của người ta thì mình học hỏi, cái dở của người ta thì mình bỏ qua, có gì đâu mà phải suy nghĩ cho mệt óc. Nhưng mà, lại nhưng, có những cái dở của người ta mà mình thấy mình cũng có một phần trong đấy, hoặc đang ảnh hưởng đến mình hàng ngày, thì làm thế nào? Tảng lờ cho qua  một cách phóng khoáng, hay là đem nó ra mà bới móc, để rồi xấu chàng hổ ai? Mình trở lại Na Uy vào một ngày trời ảm đạm, khi cơn sóng thần đã cuốn đi rất nhiều cư dân của vùng biển phía Bắc Nhật Bản. Vậy là mình lẫn lữa mãi, chẳng nỡ đăng bài này, cho mãi đến hơn nửa năm sau, tình cờ soạn lại blog, lại thấy nó. Hi vọng mọi người sẽ đọc nó với sự cảm thông.

Một trong những vấn đề mà mình muốn đem ra nói từ lâu đó là cái nhìn của đàn ông đối với phụ nữ. Tư tưởng Khổng giáo, phải nói là nó có những cái hay riêng của nó, nhưng nhìn chung lại, có thể nói là làm chậm sự phát triển của cả nhân loại nói chung, và của một nửa địa cầu nói riêng. Nhưng thôi, mình chỉ muốn đề cập đến một trong những hệ lụy của tư tưởng này mà thôi: đàn ông Châu Á nghĩ gì về phụ nữ? Ở Việt Nam, nếu bạn là gái quê, tóc đen và mắt nâu, bạn đi biển với cậu con trai tóc vàng mắt xanh, đảm bảo là nếu bạn không giữ xe ở những chỗ uy tín hay quen biết, xe của bạn sẽ bị xịt lốp, gỡ van xăng hoặc bị hư hại ở một bộ phận nào đó. Ở Nhật, nếu bạn đi trên đường phố với một người đàn ông không phải là giống dân Châu Á, đảm bảo bạn sẽ được nhìn bằng ánh mắt chẳng mấy thiện cảm của một bác tóc muối tiêu, đóng vét, đeo cà vạt, cài măng-sét, đang ngật ngưỡng bước ra từ một bữa tiệc tưng bừng nào đó sau giờ công sở. Ở đây, khi bạn bước vào khách sạn dành cho giới công chức, doanh thương hay đầu tư nào, bạn cũng sẽ được thấy tờ bướm quảng cáo các kiểu sex, bao gồm tính nhẹ nhàng, lãng mạn của một cặp đôi yêu nhau, được che mắt bằng một đường đen mỏng dính, cho đến đầy tính bạo lực của sự cưỡng bức. Trong những hình ảnh ấy, hầu hết là không được thấy mặt của các chàng adam đâu cả...

Có thể nhìn thấy sự khác biệt về cách nhìn nhận của xã hội đối với phụ nữ và nam giới thông qua cách ăn mặc của những học sinh, sinh viên ở đây, khi mà bộ đồng phục của các nam sinh trông giống như nhà binh, rắn rỏi và nghiêm khắc, còn xiêm áo của các nữ sinh thì trông giống như búp bê, xinh xắn và dễ thương theo đúng như cái từ ”kawaii” vốn có thể thốt ra từ cửa miệng của bất cứ cô bé nào khi nhìn thấy một vật gì đó rất ”cute” ở các cửa hàng trưng bày. Vậy thì chẳng có gì là khó hiểu khi cũng các nam thanh nữ tú ấy lớn lên đến một mức độ nào đó để được gọi là trưởng thành thì cũng cứ kiểu ấy mà nhìn nhận họ. Vô tình bật bất cứ chương trình ti vi nào ở đây, từ gameshow truyền hình, talkshow, phim ảnh, quảng cáo, hài kịch… người nữ hoặc lúc nào cũng một kiểu phụ họa dễ thương, gật đầu chớp mắt khi có ai đó nêu ra một nhận xét bất kỳ, hoặc mềm yếu đầy vẻ chịu đựng trong bộ đồ kimono gò bó trước người chồng gia trưởng, hoặc cười mím chi trước những chuyện tếu rất hồ đồ của các đấng nam nhi. Có phải một phần vì thế mà rất nhiều chị em trong xã hội hiện đại của xứ sở Phù Tang chọn cách sống một mình?

Nói về cuộc sống độc thân, chắc chẳng ai muốn lựa chọn một cuộc sống trớ trêu như vậy cả. Ai ai cũng mưu cầu hạnh phúc lứa đôi, dựa vào những người bạn đời của mình để đi tiếp con đường chông chênh trên thế giới lắm buồn nhiều vui này. Thế mà vì một lý do nào đó mà cả xã hội có một cái nhìn thiên lệch về cuộc sống hôn nhân thì đương nhiên sự lựa chọn đó cần được tôn trọng!

Đã từng làm việc tại một công ty Nhật ở Hà Nội, mình cũng hiểu được chút ít thế nào là áp lực công việc kiểu Nhật, khi mà giờ làm việc không được xem xét ở mức độ hiệu quả mà ở mức độ gắn bó và cam kết của mỗi cá nhân nhân viên đối với công ty. Bạn có thể ngồi ngáp ruồi cả buổi sáng để rồi một tiếng đồng hồ trước khi hết giờ làm việc của ngày, sếp của bạn ngang nhiên đưa cho bạn một nhiệm vụ khó, phải vắt óc suy nghĩ hoặc phải cày cọc với máy tính ít nhất là 3 tiếng đồng hồ mới xong, đồng thời đưa ra cái hạn sáng sớm ngày mai, 10 giờ báo cáo kết quả. Vì vậy mà giờ làm việc ở đây trong các công sở thường kết thúc chính thức hoặc ngầm hiểu lúc 9 giờ tối. Thế là giờ cao điểm của hệ thống tàu điện trong các thành phố lớn ở đây được chia làm hai: 7h tối được dành cho các chị, các bà đã có gia đình hoặc các bác lớn tuổi có nhà ở thành phố khác, 10 giờ đêm dành cho các anh các chú đóng vest đen đầy vẻ thanh lịch hoặc các cô còn độc thân. Phụ nữ làm việc trong các công sở lương đã thấp hơn so với nam giới, ít giữ chức vụ quan trọng, lại còn phải chia tay với hợp đồng làm việc của mình khi công ty được tin mình sắp có em bé. Sau khi sinh xong còn ”được ưu đãi” cho làm việc bán thời gian nếu mình có cố gắng nữa chứ; nên được làm việc toàn thời gian là một giấc mơ vô thực.

Nói về sự nuôi dạy con cái, không thể không đề cập đến những áp lực của xã hội đối với người phụ nữ. Hệ thống giáo dục Nhật đặt nặng con đường thi cử và những trường đỉnh trong việc đánh giá khả năng của học sinh, sinh viên. Việc có một đứa con học giỏi trong lớp hoặc trong trường của nó cũng như cư xử đúng cách theo cách nhìn nhận của cả xã hội không những là đồ trang sức của gia đình mà còn là nhiệm vụ nặng nề dành cho người phụ nữ. Một bài báo về bạo hành đối với trẻ em trên The Japan Times  ngày 8-3-2011 cho thấy có đến 44.210 vụ trong năm 2009 và theo phân tích của Jun Hongo, tác giả bài báo, thì có vẻ như trách nhiệm của bạo hành đối với trẻ em trong nước thuộc về những người làm mẹ là phần nhiều.

Với giờ làm việc kéo dài trong một ngày và những chuyến công tác thường xuyên xa nhà trong một tuần, có vẻ như nam giới ở đây cũng chịu áp lực không kém trong việc là trụ cột tài chính của gia đình. Mỗi lần chỉ số Nikkei dao động lớn là báo chí lại đầy rẫy các thông tin về số vụ tự tử của các doanh nhân ở khu rừng nổi tiếng phía Tây Tokyo; đó là chưa kể đến việc nhảy vào đường ray xe lửa bất kỳ hoặc tự treo cổ trong các thời điểm khác. Ngày đầu tiên ở Nhật, mình cảm thấy sốc thực sự trong lúc dừng lại ở trước thanh chắn đường ray xe lửa ở khu ngoại ô thành phố lúc 11 giờ tối thì được chứng kiến có hai bác mặc vest công sở, một người đang nằm ườn trên đường ray dù tàu đang chạy tới và người còn lại thì cố thuyết phục để lôi ông ta ra khỏi đường ray. Lúc đó cũng may là lái tàu đã nhìn thấy hai người và dừng tàu lại kịp thời. Có phải chính vì như thế mà sự cảm thông của xã hội đối với cánh mày râu được bày tỏ trong các tờ rơi quảng cáo các kênh phim gợi cảm hoặc băng video `giáo dục giới tính` được bán tự động đầy rẫy trong những góc khuất của các khách sạn ``business hotel”? Tuy nhiên sự cảm thông nào cũng cần phải có giới hạn cụ thể của nó. Bởi ”thái quá thì sinh ra bất cập”, đôi lúc đối tượng của sự cảm thông không những không nhận ra mình đang là đối tượng mà còn tự cho  mình cái quyền muốn làm gì thì làm. Đã không ít lần mình bất bình hoặc được nghe về sự bất bình của một số người khác trước những việc làm và hành động của những doanh nhân Nhật và Hàn Quốc đối với phụ nữ Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng trong những chuyến công tác nước ngoài của mình.

Chỉ sợ một ngày nào đó nam giới của nước này không chỉ có cách nhìn như thế đối với một bộ phận phụ nữ.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét