Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2011

Chị Đá đi học

Từ một quốc gia vẫn còn những dấu chân của người Pháp, hóa chất của người Mỹ và phong tục của người Trung Hoa, chị Đá nay đang cắp sách đi học ở một quốc gia tuy vẫn còn đầy rẫy những vân tay của người Thụy Điển và Đan Mạch nhưng đã vươn mình tự đứng trên đôi chân của mình nhờ vào việc chia xẻ dầu mỏ cho toàn dân vào những năm 50 của thế kỷ trước. Giấc mơ từ ngày còn làm ở hãng luật nay đã thành hiện thực. Tôi mong là mình sẽ học được một phần bí quyết của những con người tuy "lạnh nhưng ấm" này.  Để mỗi khi gặp mặt những lãnh đạo của các công ty lớn trên thế giới tại TP. HCM, tôi không phải tiếp chuyện với cái đầu rỗng và tâm trạng lơ mơ nữa...

Hiện đại hóa là một từ to lớn nhưng nó chỉ thực sự mạnh khi người ta thực hiện nó mà không cần phải sử dụng nó. Hồi còn ở quê Việt Nam, tôi liên tục nghe về nó và thực sự thì người dân Việt Nam đã một phần nào thực hiện được nó, khi mà với đất nước khoảng 90 triệu dân đã có tới gần một nửa sử dụng điện thoại di động và khoảng 62% sử dụng internet. Thế mà nó có thực sự mạnh không? Khi tôi đi về phía Nam của đất nước có những sản phẩm nông nghiệp đứng đầu thế giới về xuất khẩu, thì bạt ngàn những thửa ruộng bàn cờ hiển hiện một màu xanh mướt nhưng khuôn mặt người nông dân thì dấu sau chiếc nón lá và đôi vai thì oằn những gốc mạ đang cấy? Hay khi tôi đi về phía Bắc của đất nước thì những thửa ruộng bậc thang vàng óng màu lúa chín còn người thiểu số chân không đi gặt với chiếc liềm, cái điều mà họ đã làm cũng tại chỗ đấy cách đây hơn cả ngàn năm?

Trường tôi học là một trường được lập nên bởi những nông dân vùng ngoại ô Oslo, thuộc quốc gia nổi tiếng bởi những cánh rừng đen và tuyết trắng. Vậy mà cũng những nông dân ấy đang mang giày Adidas, ngồi chễm chệ trên những chiếc máy cày, gặt đập để chuẩn bị đất và thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp của chỉ duy nhất một mùa trong năm. Và lại những nông dân ấy đang xây dựng một khu trường đại học khang trang hàng đầu trên thế giới về những nghiên cứu môi trường cùng tham vọng vươn lên tầm thế giới. Mặc dù con đường đi đến đích vẫn còn xa, nhưng tôi tin là họ sẽ làm được!

Trường thì xa, nhưng bù lại tôi được đi tàu nhanh. Cái nắng ấm mùa hạ dần thay thế cho cái nắng nổi da gà của mùa thu, nhưng nhìn những cánh đồng lúa mì trĩu nặng trong gió sớm dập dìu lướt qua, tôi thấy lòng mình vui lạ. Dù mặt biển của vịnh Oslo đã cóng lạnh hơi sương nhưng tôi lại tự nhủ khi tốt nghiệp, tôi sẽ mặc chiếc áo dài ngày nào để cùng chung bước với những bộ đồ bunad truyền thống của những nông dân nơi đây.


Ås, ngày 9 tháng 9 năm 2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét