Thứ Tư, 2 tháng 3, 2011

Tản mạn trên xứ sở của hoa anh đào - Phần 1

Tạm rời xa cái rét khô cong cùa miền đất gần vùng địa cực, chị Đá đến thăm đất nước mặt trời mọc trong miền khí hậu giao mùa của vùng hải đảo ôn đới phía Tây Bắc Thái Bình Dương.

Sự chênh lệch cùa múi giờ càng làm nổi rõ sự khác biệt của khí hậu các vùng khi đang gù gà gù gật xem phim trên máy bay, cứ tưởng mình vẫn chưa ngủ được khi theo giờ Na Uy là 12h đêm thì đột nhiên khi mở hé cửa sổ, luồng ánh sáng chói chang làm cho mắt mình phải nhắm lại ngay lập tức, đang sửng sốt thì chợt nhớ ra bây giờ đã là bảy tám giờ sáng khi bay trên vùng trời của Trung Hoa. Ánh sáng tuyệt hảo đó phải chăng hứa hẹn cái may mắn của chuyến đi?

Mặc dù sẽ không được chiêm ngưỡng hoa anh đào nở rộ vào dịp tháng tư, nhưng cái ngập ngừng của mùa hoa mơ phản ánh sáng trắng hồng trên những mái ngói đền chùa rêu phong cũng phải làm bạn ngỡ ngàng đến rộn ràng khi bước đi trên những bậc đá dẫn lối vào văn hóa tín ngưỡng Nhật Bản. Một tuần có thể chưa đủ để hiểu hoặc để viết về một cái gì đó của một vùng miền nhưng mình thực sự tin vào những cảm nhận ban đầu, có thể nguyên sơ đấy nhưng phản ánh rõ nét nhất khía cạnh tiềm thức, trong nhận thức của mỗi cá nhân.

Trước đây mặc dù mình đã từng được làm quen với hệ thống tàu điện của Tokyo trong cuốn "Ngầm" của Murakami, nhưng phải thú thật rằng bản thân vẫn thấy hoa cả mắt khi đột nhiên bị vứt ở một ga bất kỳ của cái thành phố thuộc loại lớn nhất thế giới này. Sự phức tạp trong tính cách và suy nghĩ của một xã hội có thể được nhìn thấy ở ngay đây chăng? Câu trả lời phải nhờ đến các chuyên gia nhân chủng học, nhưng rõ ràng là, nếu bạn không cẩn thận đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng thì rất có thể sẽ bị cuốn vào những người tấp nập bận rộn ngang dọc ở ga và dễ dàng kết thúc ở chẳng giữa nơi đâu. Ngày đầu tiên khởi động với 2/3 chu vi hệ thống tàu điện của Tokyo, bắt đầu từ sân bay Narita ở Đông Bắc, vòng xuống phía Nam qua cửa lớn (Daimon) ở Đông Nam rồi theo Seibu-shinjuku line để về đến đích ở Tây Tokyo, có lẽ là một sự khởi động tốt trong cuộc chạy đua 25 ngày để hiểu chút chút về đất nước này.

Ngày thứ hai, nhờ sự đãng trí của đồng chí chồng mà mình lại có dịp trải nghiệm một mình với tàu điện ở đây. Nếu bạn không muốn đột nhiên bị bỏ lại ở giữa khoang tàu một mình khi tất cả mọi người lũ lượt chuyển qua một chuyến tàu khác cũng y chang về màu sắc, ga đi và ga đến thì nhớ chạy ùa theo nhé. Thế mới biết cái câu: người ta làm thế nào thì mình làm y chang như thế, đừng tạo sự khác biệt, bốc đồng hay lập dị, không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả bình thường. Bởi vì thực ra tuyến tàu điện này có hai loại, một tàu nhanh và một tàu chậm, dừng lại ở tất cả các ga trên khoảng đường có tổng cộng 19 ga từ Tây Tokyo về đến rìa của khu trung tâm thành phố. Vì thế nhớ để ý mà bắt tàu nhanh, tiết kiệm cho mình một nửa thời gian đấy.

Có lẽ, ấn tượng nhất về Tokyo, ngoài tàu điện, phải kể đến Meiji-jingu, một ngôi đền nằm lọt thỏm giữa một khoảng xanh bao la, trong một thành phố cực kỳ công nghiệp hóa. Mặc dù có thể không ít lần bạn che tay ngáp khi có tin tức nào đó về chính trường nhàm chán của đất nước này, nhưng lại không thể không đánh giá cao chính sách của Nhật Bản khi không muốn phá bỏ khoảng thiên nhiên tươi đẹp này vào đầu những năm 90, khi giá đất của chỉ riêng Tokyo đã cao hơn cả toàn bộ Canada. Bạn cứ thong thả cúi chào trước cổng torii cao vời vợi rồi tản bộ qua hàng ngàn cây bách to bự để thanh tẩy tay và miệng mình ở giếng Chozuya trước khi bước vào khu đền chính. Đến được đây rồi thì bạn có thể chào thần thánh của khu đền bằng cách ném đồng 5 yên vào thùng dâng lễ rồi sau đó muốn cầu nguyện như thế nào tùy ý. Tại sao phải là đồng 5 yên mà không phải là đồng nào khác?Ấy là bởi vì năm tiếng Nhật tức là go, mà go-yen thì âm nghe như từ có nghĩa "sự nối kết", với mong muốn được liên lạc với thần thánh, để thần thánh có thể nghe được lời nguyện cầu của mình. Ôi chao, con người ta, qua bao thế hệ, dù đã sờ nắn được bề mặt của mặt trăng, vẫn phải hi vọng vào sự siêu hình, để một ai đó có quyền lực vạn năng có thể nghe thấy tâm tư của mình, âu cũng là sự tất yếu trong bản chất của con người. Chỉ trách cho ai đó đã từng một thời phủ nhận sự tất yếu này, báng bổ thánh thần, đưa bao con chiên, Phật tử, kẻ theo đạo vào vòng lao đao.

Khi đã nói về bản chất con người, mình lại muốn nói về chuyện ăn. Thông cảm nhé! Bởi sống ở một đất nước đắt đỏ nhất trên thế giới, chẳng bao giờ dám bước chân vào nhà hàng, chị Đá không thể không lao vào vòng tụy lục ở đây được trước sự cám dỗ của mùi miso soup vốn len lỏi ở bất cứ ngõ ngách nào của Nhật Bản, khi bạn chỉ cần bỏ ra vài trăm yên là có thể đàng hoàng chễm chệ trong một hàng quán bất kỳ để mà xì xụp. Đó là chưa kể đến sự hấp dẫn của sushi vòng quanh giống kiểu lẩu kichi kichi, bánh xèo okonamiyaki ăn đến no mới thôi hay mì udon, soba, ramen có thể được tìm thấy ở gần bất cứ ga tàu nào. Và ở bất cứ cửa hàng tiện lợi nào, bạn cũng có thể tìm được onigiri, một loại cơm nắm với nhiều loại nhân khác nhau, trong đó có nhân cá ngừ là ngon tuyệt cú mèo, để mà dằn bụng trong lúc mỏi chân chồn gối khi đi bách bộ thưởng ngoạn ở đây, hay mochi với nhân đậu đỏ và lớp áo gạo nếp theo kiểu bánh trôi của mình để nhâm nhi với trà xanh những đêm tối trời. Nghe tiếng ẩm thực Nhật Bản đã lâu nhưng mình không thể không ngây ngất trước sự phong phú về hương vị, màu sắc và chủng loại đồ ăn ở đây. Nhưng bạn nhớ kiềm chế nhé, không thì tim bạn sẽ đập rất nhanh sau mỗi bữa ăn ở đây vì hàm lượng mì chính cực kỳ cao ở bất cứ loại thức ăn mặn nào.

Mà đã nói về chuyện ăn thì không thể thiếu được chuyện uống. Ở đây, không như ở Việt Nam mình, dù bạn có gặp chút khó khăn trong việc tìm được chỗ rút tiền tự động, nhưng ít ra thì trong lúc bạn đi tìm, bạn cũng có thể tìm được nước giải khát phù hợp trong hằng hà sa số máy bán nước tự động ở đây. Bạn có thể thấy chúng xuất hiện ở mọi nơi, mọi đường phố, mọi ngõ ngách, từ khu trung tâm bận bịu cho đến khu ngoại ô khỉ ho cò gáy, cỏ dại mọc đầy. Và chúng nằm la liệt ba bốn cái một hàng giống như máy ATM trong sự bùng nổ của hệ thống ngân hàng ở Việt Nam vậy. Này nhé, nếu đi giữa trưa nóng nực của vùng miền quê yên tĩnh thì bạn có thể bỏ vài đồng xu vào máy để có Pepsi mát lạnh, nếu ở giữa ga tàu đông đúc vào đêm hôm khuya khoắt, cái gió ẩm ướt từ hướng đại dương thốc vào cổ bạn và vào cả những chiếc váy ngắn của các cô bé bốt cao hiện đại, thì bạn cũng có thể bỏ vàì đồng xu ở cái máy ở ngay sát bên để có được một cốc cà phê nóng hổi bốc khói nghi ngút, tha hồ mà tỉnh táo để ngắm các tòa nhà cao ốc sáng rực đèn đêm. Hoặc trong khách sạn tự nhiên bạn muốn có chút cồn trong người thì đừng uổng công tìm trong tủ lạnh nhé, máy bán nước tự động sẽ ở ngay góc cầu thang máy, sẵn sàng phục vụ mọi nhu cầu!

Khi viết những dòng này, mình đang ở Ise, trung tâm tôn giáo của thần đạo Shinto. Có thể nói đây là nơi tượng trưng cho sự mâu thuẫn trong phong cảnh Nhật Bản. Bạn có thể tìm được cảnh thiên nhiên hùng vĩ với rừng rậm u linh bao quanh những ngôi đền thiêng, với khói trắng nghi ngút tỏa ra từ các suối nước nóng mang phong cách thần tiên, nhưng rồi hiển hiện trước mắt bạn đồng thời cũng là những nhà máy, khu công nghiệp xen lẫn với nông trại trồng rau hay những tòa nhà cao tầng nằm xen kẽ giữa những ngôi nhà cổ xưa. Có thể bạn sẽ hơi thất vọng khi so sánh cảnh thực với những đoạn phim quảng cáo du lịch Nhật Bản cùng những phong cảnh tuyệt vời, nhưng hai mặt vẫn là hiện thực của cuộc sống.

Dù sao đi nữa thì khi đến Nhật, bạn nhớ mua cho mình chiếc bánh rán dorayaki, món ăn ưa thích của chú mèo máy Đôrêmon trước khi bước vào trụ sở hiện đại của hãng xe buýt Willer Express nằm ở tầng dưới của một trong những tòa nhà cao tầng ngất ngưỡng của khu Shinjuku, để vừa thưởng thức cái ngọt lịm của nhân đậu đỏ trong vị béo thơm của lớp vỏ bánh vàng ươm, vừa mơ màng như mình đang bước vào thế kỷ hai hai giữa hai hàng nhân viên phục vụ tận tình của hãng xe, mặc áo khoác như những nhà du hành vũ trụ nhé.

Ise ngày 2 tháng 3 năm 2011

(Còn tiếp...)

1 nhận xét:

  1. Tui ngưỡng mộ bạn Nhung quá, viết lên tay thấy rõ. Để mai rảnh ngồi đọc lại :) Enjoy Nhật Bản nhé chị Đá.

    Trả lờiXóa