Thứ Tư, 24 tháng 11, 2010

TỰ TI


Mấy ngày nay trong người mình cứ thấy lẩn thẩn, buồn buồn ở tận đẩu đẩu đâu đâu. Không biết có phải do ngoài kia, bầu trời quái quỉ xám xịt của xứ Bắc Âu cứ càng ngày càng tối dần hay do ý thức về thời gian. Từng ngày, từng tuần dần dần trôi qua những khe hở ngón tay mà khoảng trống trong tốc độ làm việc của mình thì cứ càng ngày càng rộng dần ra.

Trong đầu cứ vẩn quanh, ong ong một câu hỏi: muốn học gì đây? Và để trả lời cho câu hỏi này, cũng cần phải trả lời thêm cho hai câu hỏi: mình đã học gì và mình muốn làm gì sau khi học xong. Sở dĩ mấy câu hỏi trở nên rắc rối là vì hình như hai câu trả lời cho hai câu hỏi sau có kết quả khá là trái ngược nhau. Đôi khi cái mình muốn trở thành nó khác hoàn toàn với cái mình có khả năng trong hiện tại. “Vậy thì học đi để có khả năng làm cái mình muốn!” Lại khổ một nỗi nữa là muốn vậy thì cần phải có thời gian! Tình trạng hiện tại cũng giống như một người được sinh ra trong một gia đình không hề có chút khuynh hướng nghệ thuật nào, từ nhỏ đến lớn được nuôi dưỡng theo kiểu cách thương gia, hàng ngày cứ phải cộng cộng trừ trừ để tính toán phải buôn bán thứ gì thì mau hồi vốn và có lời, rồi học đại học để trở thành thương gia đa quốc gia, và tự nhiên đùng một cái, đứng trước bậc thạc sĩ được lựa chọn một cách tự do, người đó lại đâm đầu muốn trở thành nghệ sĩ dương cầm vậy.

Nghĩ cũng lẩn quẩn, làm thế nào để làm được cái mình muốn, không đi sợ, lại đi sợ cái thời gian. Cái ý‎ niệm này, suy cho cùng, đúng là nhảm, nếu đem cái vòng tuần hoàn của mặt đất so với mặt trời trong trái dương hệ ra so sánh với hàng hà đa số vòng tuần hoàn của các thế giới cục bộ khác trong không gian vũ trụ. Nếu đã không thèm chấp với cái khái niệm được coi là vàng, là bạc của gần hai tỷ người kia, thì thực ra mình sợ cái gì? Chính mình chăng?

Mình đâm sợ khi nghĩ đến lúc bỏ công sức ra làm một điều gì đó rồi tự nhiên không còn thấy thích thú nữa sau một thời gian, lại là thời gian! Liệu có thể thay thế thời gian bằng cụm từ phản ánh đúng bản chất hơn: “sau khi mình đã thắng cái chính mình trong lĩnh vực đó”. Mình sợ đến một lúc nào đó, mình không còn cảm thấy yêu nữa, thứ mình đã từng yêu, hay không còn đam mê nữa, thứ mình đã từng đam mê. Biết lắm chứ, thế giới vẫn còn rất nhiều đỉnh cao khác, nhưng cái gì nó cũng phải có cái giới hạn của nó. Hừm, lại đem triết lý và cái hạn chế của ngôn từ ra để tự giễu mình! Nếu đem cái giới hạn ra mà nghiền ngẫm, mà trói buộc mình, thì quả là phi lý. Đỉnh Everest cao thế, mà mỗi năm lại cao thêm 5mm. Thì đấy, nó vẫn luôn tự làm mới chính mình đó thôi. Ừ nhỉ, thế thì bớt cái tự ti đi, xác định muốn làm cái gì thì cứ thế mà làm, ngẫm nghĩ làm gì cho thêm mệt mỏi.

Tính ra đối với một cá nhân, chỉ nên cho người đó sự tự do có chừng mực mà thôi. Và cũng nên thả lỏng từ từ, đừng hấp tấp, đừng vội vã…

Và tính ra, tự do chẳng nên, và chẳng bao giờ là tuyệt đối cả!

Oslo, ngày 23 tháng 11 năm 2010.

1 nhận xét:

  1. "thời gian qua kẻ tay, làm khô những chiếc lá..kỷ niệm trong tôi rơi rơi như tiếng sỏi trong lòng giếng cạn..."
    hi, thời gian như là dòng chảy Nhung nhỉ, đôi lúc nhìn lại có 1 chút hụt hẫng mà thú vị.
    Dẫu "chẳng bao giờ là tuyệt đối" nhưng chúc em sẽ tiến gần đến sự tuyệt đối nhé!

    Trả lờiXóa