Thứ Ba, 12 tháng 10, 2010

MỘT GIỜ Ở TÒA NHÀ QUỐC HỘI

Mấy ngày nay báo chí rùm beng việc Ủy Ban giải Nobel Hòa Bình của Na Uy  trao giải năm nay cho một người Trung Quốc có tên là Lưu Hiểu Ba, vốn tranh đấu vì nhân quyền, dân chủ và đang tù tội vì bị khép vào tội danh “âm mưu lật đổ chính quyền” khiến mình cứ thấp thỏm đứng ngồi không yên. Không chỉ có báo chí phương Tây đề cập đến những phản ứng của Bắc Kinh và sự lên tiếng của cộng đồng quốc tế mà ngay cả tờ báo nhà mình là Vnexpress cũng tường thuật rất ư là sự thật tình hình đang diễn biến ở bài báo “Trung Quốc giận dữ với Nobel Hòa bình”. Giờ có xa mới thấy quý tờ báo này, khá độc lập nhưng vẫn luôn hướng về “ai-cũng-biết-là-ai-đấy” để tránh hệ lụy phải bị gác bút. Không biết có ai chú ý không chứ mình thì rất cảm kích cách viết va cách tiếp cận vấn đề về những dấm dẳng về phía Bắc Kinh của cây bút, chỉ trích dẫn có chọn lọc một số câu nói của những người nổi tiếng mà làm sáng tỏ nhiều vấn đề, khi ở quê nhà đang rùm beng việc một giáo sư đại học bị khép vào tội danh tương tự (www.vnexpress.net/GL/The-gioi/2010/10/3BA21620/). Và nếu cho là cây bút có ẩn ý thì gan của nó cũng khá là lớn đó! (Bravo!!!)

Nhưng thôi, gan của em cũng bé lắm nên tạm gác chuyện rùm beng và những hệ lụy của nó, tiêu biểu nhất mà “đồng chí chồng” đã dự đóan là Trung Quốc sẽ từ chối visa du lịch cho nhiều công dân Na Uy sau sự kiện này, sang một bên. Ở đây chị Đá chỉ phân tích cái ủy ban đã gây sóng gió thôi, để xem thử “tội” nó có nặng lắm hay không, và có đáng không?

Vào trang web chính thức của giải Nobel http://nobelprize.org, xem phần các tổ chức Nobel thì được biết: Hội đồng Nobel Na Uy được bầu ra từ Quốc hội Na Uy, quyết định giải Nobel Hòa Bình, và cơ quan này có trung tâm độc lập tại cái quảng trường mà chỉ hai ngày sau khi đặt chân đến thành phố này mình đã từng đi qua. Chợt nhớ mình cũng đã từng có một giờ tham quan tòa nhà quốc hội dù quyền lực, nhỏ thôi, nhưng đặc biệt thân thiện này. Vậy thì trước khi phân tích cái tổ chức con, tội gì không thử phân tích cái tổ chức cha mà mình được mắt thấy tai nghe trước.

Đầu tiên là địa điểm, tòa nhà cổ kính nằm lọt thỏm giữa hai tòa nhà khác, một là khách sạn, nằm hai bên, cũng hoành tráng không kém. Có thể liên hệ nó giống như nhà hát Opera TP HCM nằm lọt thỏm giữa một bên là khách sạn Continential và khách sạn Caravelle vậy. Thế mới nói dù Tây hay Ta cũng không thoát khỏi cái phê bình về sự phát triển không đồng bộ trong việc quy hoạch đô thị để bảo tồn những kiến trúc cổ.  Nhìn bốn mặt chung quanh tuyệt không có lấy một nhân viên an ninh nào, cũng chẳng có camera quay mặt bốn hướng. Vì ở đây nếu có camera quay cảnh bên ngoài (từng thấy ở nhà tù thành phố) thì chủ nhân của tòa nhà cũng phải thông báo bằng biển báo cho người dân qua lại được biết. Tóm lại thì thấy an ninh ở đây cực kỳ lỏng lẻo mặc dù phía sau nó là cả một nhà ga nằm dưới mặt đất, người qua lại không kể xiết. Giống như một thách thức, ta đây minh bạch thì chẳng việc gì phải sợ ai!

Và tất nhiên là bên ngoài trông vậy nhưng bên trong thì không phải vậy. Vào đến bên trong thì gặp ngay vòng kiểm soát an ninh. Vì tòa nhà mở cửa một phần cho du khách cả trong nước và quốc tế nên tất cả phải qua hai vòng an ninh kiểm soát giống như ở sân bay. Điều đáng nói ở đây là nó mở cửa miễn phí cho khách tham quan vào thứ bảy nhưng lại đối xử với có phí hay không phí đều ngang nhau, tất cả mọi người đều phải bỏ mũ ra và treo áo mưa hoặc áo khoác bên ngoài trước khi cô hướng dẫn viên xuất hiện và dẫn đi.

Ấn tượng đầu tiên mà Quốc Hội Na Uy muốn nhấn mạnh trong mắt du khách là ở bức tranh đầy tính nhân bản rất lớn ngay bên trên bàn lễ tân. Trung tâm là một người da trắng cùng với một người da đen đang khiêu vũ cùng nhau, ở góc phải là những hình thù con người đang tương trợ lẫn nhau và góc phải là một nhóm người da đen đang bước ra bắt tay với một nhóm người da trắng. Là một quốc gia được hình thành rất trễ, đầu thế kỷ 19, nhưng được xây dựng bởi đủ các sắc dân và phát triển cực kỳ nhanh chóng, từ một nước nghèo, kém quan trọng trên chính trường quốc tế, thậm chí phải mượn người từ Đan Mạnh về làm vua để trị vì đến một siêu cường về dầu khí và trở thành quốc gia có mức sống cao nhất trên thế giới (theo đánh giá của Chương trình Phát triển con người của Liên Hợp Quốc). Và cô hướng dẫn ở đây cũng cho biết về vị vua có xuất xứ từ Đan Mạch một cách rất tự hào, chứng tỏ một thái độ tôn trọng lịch sử hết mực, chứ chẳng như ai kia tự viết sử và để nhiều thế hệ lầm lạc về nguồn gốc và quá trình phát triển của dân mình. Và từ sự phát triển nhanh chóng như vậy cho thấy chính sách quốc gia đã thực hiện tốt việc khuyến khích các dân tộc khác nhau cùng nhau xây dựng một đất nước của chung. Tính không phân biệt đối xử được xác minh rõ ràng nhất ở việc phúc lợi xã hội được chia đều cho mọi người, ngay cả người tạm cư cùng chồng như chị Đá cũng được hưởng các dịch vụ chăm sóc y tế miễn phí bình thường như mọi công dân khác. Vì thế quả là không ngoa khi nói nhà nước này đã sử dụng đồng thuế của mỗi người dân một cách thỏa đáng và hợp lý để tạo nên một quốc gia xã hội chủ nghĩa lý tưởng. Nhưng thôi, nói nhiều quá nhiều người lại lầm tưởng, phê bình con bé này mới đi chưa được bao lâu đã “choáng ngợp trước xã hội tư bản”. Đại ý ở đây là muốn nói về việc khuyến khích các dân tộc khác nhau, chúng ta có 53 dân tộc anh em khác nhưng liệu đã khuyến khích và tạo cơ hội gần đủ cho họ để cùng phát triển hay bấy lâu nay vẫn xua đuổi họ về các vùng sâu vùng xa, cô lập họ để dễ trị hay để dễ chia phần phúc lợi về mình?
Bức tranh ở tòa nhà quốc hội

Căn phòng tiếp theo là hội trường họp. Nói nhỏ chút xíu: bạn ơi, nó nhỏ lắm, nhỏ lắm, không gian chỉ bằng cái hội trường E của trường Cao Đẳng Kinh tế Đối Ngoại ở 76B Phan Xích Long mà trường Ngoại thương, Cơ sở II TP HCM, từng mượn cơ sở. Nhỏ nhưng ấm cúng, chỉ vỏn vẹn vừa đủ cho 169 đại biểu Quốc hội ngồi chen chúc có thể thân mật bàn thảo và biểu quyết. Và tuy nhỏ như thế nhưng nó còn đủ chỗ cho cả một dãy bàn dài dành cho các loại báo chí để mà còn được tự do ngôn luận. Nếu ai vô tình dừng chân đọc bài viết này thì làm ơn chỉ giáo cho chị Đá về Quốc Hội Việt Nam mình với nhé. Nhưng nhớ nhắn nhỏ thôi, đừng rùm beng gì vì chị Đá rất sợ phải …vỡ mật khi bàn về vấn đề này!

Tiếp theo nữa là căn phòng chân dung các vị sáng lập quốc hội và những vị có công. Cô hướng dẫn dừng chân ở một vị rất … phải nói là rất …(ôi, xấu hổ quá đi mất, lại cái tính mê trai!) (ôi dào, nói đại đi!) … rất trẻ và đẹp trai. Vì thấy ngưỡng mộ nên tạm thời quên mất tên, chỉ có hình ở đây, bây giờ nếu search lại lịch sử quốc hội thì không đủ kiên nhẫn, thôi thì hẹn một dịp khác nếu có thể tìm hiểu kỹ hơn thì sẽ update tên sau vậy. Theo lời cô hướng dẫn thì vị sáng lập này tuy còn trẻ lúc bấy giờ nhưng là nhân vật đã đưa ra nhiều ý tưởng giá trị trong việc xây dựng quốc gia. Lại buồn khi biết người lại ngẫm đến ta. Chúng ta xây dựng xã hội chủ nghĩa, một hình thái xã hội được giảng dạy trong tất cả các trưởng trung học và đại học, là hình thái hiện đại nhất trong lịch sử loài người. Thế mà bao lâu nay trong môi trường làm việc, tư tưởng đạo Khổng cổ hủ cách đây hàng nghìn năm vẫn thắng thế khi người trẻ phải “câm như hến” trong bất cứ cuộc họp đại sự nào; và khỏi cần phải đề cập đến cái tâm thức làm việc “ngồi lâu ấm chỗ”, tăng lương theo tuổi, “kính lão đắc thọ” vốn đè nén khả năng dồi dào của sức trẻ.

Ngài trẻ (góc trái bên dưới)


Thay lời kết: Có đáng suy nghĩ chăng khi 39%  thành phần quốc hội là nữ, không phân biệt sắc tộc, không phân biệt nguồn gốc. Điều này được biết qua một cuộc nói chuyện cởi mở và bình đẳng giữa chị Đá và một bác lớn tuổi ở quầy lễ tân khi bác này tặng quà lưu niệm cho khách tham quan. Có thể một quốc gia chỉ phát triển một cách thần kỳ khi tổ chức cầm quyền đánh giá và trọng dụng con người “ở khía cạnh họ như thế nào, chứ không phải ở khía cạnh họ được sinh ra như thế nào” (“on how they are, not on how they were born” – Harry Porter, J.K.Rowling)

Oslo ngày 9 tháng 10 năm 2010

1 nhận xét:

  1. Chị Đá, tui cũng thèm được tham quan nơi đó quá, nhưng đừng so sánh quá nhiều, hoàn cảnh lịch sử khác nhau, dĩ nhiên hiện tại sẽ khác nhau. Học hỏi để cải thiện hiện tại chứ ko chỉ trích. Dù sao thì tui cũng ngày càng ngưỡng mộ tài quan sát và nhận định của bạn Nh! Cố lên, vài bữa về VN xuất bản sách hén.

    Trả lờiXóa