Chủ Nhật, 17 tháng 10, 2010

MỘT SỰ THẬT LÀ …

 Đêm chôn dầu vượt biển
                                        Châu Đình An

Đêm nay anh gánh dầu ra biển anh chôn
Anh chôn, chôn hết cả những gì của yêu thương
Anh chôn, chôn mối tình chúng mình
Gửi lại em trăm nhớ ngàn thương
Hò ơi! Hò ới! tạm biệt nước non.
Đêm nay đêm tối trời anh bỏ quê hương
Ra đi trên chiếc thuyền, hy vọng vượt trùng dương
Em đâu đâu có ngờ đêm buồn
Bỏ lại em trăm nhớ ngàn thương
Hò ơi! Hò ới! tạm biệt nước non.

Anh phải bỏ đi thắp lên ngọn lửa hy vọng
Anh phải bỏ đi để em còn sống
Anh phải rời xa mẹ Việt Nam đau đớn
Quê mình rồi đây, em gắng đợi chờ
Anh tạm rời xa nước non mình yêu kiều
phố phường thân yêu người quen hàng xóm
Mong vượt biển Đông, mà lòng anh tan nát
Núi rạng mờ xa. ôi ngọn núi, ở quê hương!

Đêm nay anh gánh dầu ra biển anh đi
Ra đi trên sóng cuộn thấy gì ở quê hương
Xa xa ôi núi mờ xa dần
giọt nước mắt khóc cho phận thân
Hò ơi hò ới phận kẻ lưu vong

Đêm nay trên bản đồ có một thuyền ra đi
Hiên ngang trên sóng gào, tự do đón chào
Xin chào tự do với nỗi niềm cay đắng
Nhìn lại bên bờ, nước non mình môi mặn
Khóc nghẹn ngào!!!
Hò ơi! Hò ới! tạm biệt nước non
Hò ơi, hò ới! tạm biệt nước non
Hò ơi! Hò ới! tạm biệt nước non
Hò ơi! Hò ới! tạm biệt nước non”

Cuộc sống ở một nước phát triển đối với một người Việt Nam, một kẻ lưu vong, thì không dễ dàng, hay nói là chẳng sung sướng gì, hay nói là khổ.

Nếu vẫn chưa thuyết phục lắm thì thêm vào một mệnh đề nữa: “ít nhất là trong khoảng thời gian đầu”.

Chắc có lẽ nhiều người sẽ chê trách khi chị Đá nói ra điều này lắm. Bởi vì nói ra làm gì cái sự thật tuy dễ hiểu, nhưng lại khó nghe và nhiều người không chịu hiểu, hay không muốn hiểu, hoặc nhắm mắt làm ngơ, này cơ chứ! Khi hàng năm, con số kiều hối mà đồng bào Việt Nam ở nước ngoài gởi về quê nhà lên đến con số hàng tỷ Mỹ kim (tổng kiều hối năm 2009 là 6,8 tỷ USD, theo công bố của Bộ Tài chính). Nên có lẽ, người trong nước lẫn người ở ngoài nước chẳng ưa gì khi nghe nói về cái sự thật này.

Có thể bởi vì sống ở trên đời, được khẳng định mình, được người khác công nhận mình vẫn là một trong những nhu cầu cấp thiết hàng ngày, cao hơn cả nhu cầu được ấm no và được an toàn. Cho nên dù có phải làm thêm giờ vất vả hơn một chút, hàng ngày bước vào quán cà phê gọi đồ uống ít tiền hơn một chút, một tháng đi vào nhà hàng ít lần hơn một chút, một năm thưởng cho mình một vài thú vui chơi hiếm hơn một chút, thì cũng chẳng sao! Miễn là nhìn thấy nụ cười trên môi của em thơ, của vợ hiền, trong mắt của mẹ già, của bà con thân thuộc, là đủ.

Và có thể bởi vì ai lại nhắm mắt làm ngơ trước một số tiền ở trên trời rơi xuống hay trước một món quà dễ thương do tấm lòng của một người thân của mình, dù xa hay gần đi nữa, gởi tặng. Tôi thích đấy, nhưng có phải trong lòng của tôi chỉ có cái gì đó không thích lắm, không được hài lòng lắm? có phải ngọn lửa mang màu tị hiềm đang liếm láp tâm hồn tôi? đơn giản vậy sao?

Sao chúng ta không làm cho cuộc sống của nhau được dễ dàng hơn? Mình ơi, có biết tại sao chỉ trong vòng mấy tiếng đồng hồ trước khi Sài Gòn thay đổi, lại có lắm kẻ chấp nhận chia lìa với đất mẹ, nơi có bao ánh mắt thương yêu xót xa đau đáu nhìn theo, để làm kẻ lưu vong? Nếu có biết thì hãy thương lấy nhau, hay bớt cái lễ nghi bề ngoài, chấp nhận nhau và coi nhau như là người bình thường nhưng chung nhau một mẹ hiền, dù rất xa. Để những cuộc trở về làng, làng sẽ không ồn ào rượu bia, không thơm phức mùi dầu thơm và sô cô la, không ánh mắt tị hiềm, bù lại người đi được về làng thường xuyên hơn, người ở lại được nhớ về người ra đi với một cảm xúc dịu dàng, thương nhớ thực sự.

Chỉ mong một ngày nào đó, nụ cười của một người dân ở Hội An vốn không biết mình là ai sẽ không tắt mất khi mình nói mình mới về nhà chơi và anh chàng mắt xanh tóc vàng đứng bên cạnh mình là chồng mình đấy.

Oslo ngày 17 tháng 10 năm 2010
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét