Thứ Ba, 14 tháng 9, 2010

CUỐI TUẦN


Thứ bảy và chủ nhật vừa rồi, chị Đá có dịp trải qua hai ngày cuối tuần với ông bà gia. Nếu là người làm dâu ở Việt Nam, chắc là chị Đá phải căng thẳng lắm khi ba mẹ chồng tới thăm nhà. Quả thực, cái tâm lý ám ảnh đó vẫn còn rơi rớt đâu đó trong tâm trí của chị Đá nên chị đã bỏ ra nửa ngày trời để dọn dẹp nhà cửa cho sạch sẽ, đặc biệt là khi cái vườn trồng các loại rau gia vị nho nhỏ trước nhà đang khá là lộn xộn và bụi bặm sau 10 ngày lăn lộn dưới bàn tay thiếu kinh nghiệm của chị.

Và rồi reeeenngg, chuông cửa reo, ba mẹ đã về. Nụ cười tươi của ba và chậu hoa cúc vàng rực rỡ mang màu nắng của Thụy Điển trên tay mẹ chồng đã xóa ngay cái tâm lý e dè của chị. Thế là mẹ chồng và nàng dâu lại tíu tít kể chuyện tuần qua trong cái không khí lắng nghe có chọn lọc cùng với những câu hỏi quan tâm của ba chồng. Rồi chồng chị Đá về, xông vào nấu ăn với vợ, ăn xong ba mẹ chồng rửa chén để hai đứa ngồi nghỉ phơi bụng vì no quá. Bỗng nhiên lại thấy mình may mắn khi có một gia đình thứ hai khá cởi mở, dù quan tâm lo âu nhưng lại rất biết lắng nghe tâm tư của các thành viên khác và đặc biệt là biết dành thời gian cho nhau.

Khởi sự là ba mẹ chồng. Ba thì lựa chọn làm việc bán thời gian, mẹ thì lựa chọn làm việc ở nhà  từ khi các con còn nhỏ để có nhiều thời gian hon cho chúng. Đổi lại là những bữa sáng ngồi cùng nhau, dù vội nhưng vẫn thấy mặt chúng nó trước khi đi làm và buổi tối quây quần cùng nhau ăn tối và chơi một trò chơi nào đó trước khi đi ngủ. Trước là thế, bây giờ vẫn vậy, dù bây giờ gia đình đã vơi bớt, ba đứa chỉ còn một. Hai đứa còn lại phiêu lưu phương xa, thỉnh thoảng về thăm nhưng vẫn quây quần như cũ, có khác là bây giờ có thêm hai thành viên mới của hai đứa con trai cưng. Đây là câu trả lời cho câu nói bâng quơ của chị Đá khi cả nhà đi dạo trong khu cắm trại: “Con thấy ở đây người ta đi chơi cuối tuần với con nhỏ nhiều ghê”. “Tất nhiên là người ta thích thế!”, ba cũng bâng quơ. “Nhưng ở Hà Nội, con chỉ thấy người ta đưa con đi học vào thứ bảy chủ nhật không à”, chồng chị Đá xen vào.

Thời gian là cách mỗi người lựa chọn để sử dụng nó như thế nào.

Có thể nói, sự lựa chọn của thế hệ trước có thể ảnh hưởng đôi chút đến thế hệ sau. Như vợ chồng chị Đá bây giờ thống nhất với nhau là dù công việc có bận bịu mấy cũng phải dành buổi tối các ngày trong tuần và hai ngày cuối tuần cho con cái và gia đình. Không biết tương lai thế nào nhưng sẽ cố gắng duy trì.

Tuy nhiên sự lựa chọn đôi khi cũng ảnh hưởng phần lớn bởi xu thế của xã hội và tập quán sinh sống của cộng đồng chung quanh. Còn nhớ cuối những năm 80, Việt Nam mình còn thắp đèn dầu, cả nhà quây quần trên chiếc phản ngòai sân ngắm trăng, ánh đèn heo hắt khiến cho người cha nảy ý định làm các con vui bằng cách dùng hai bàn tay thô mộc của mình tạo hình các con thú trên vách tường rồi kể chuyện cổ tích cho các con nghe dựa trên sự chuyển động của hai bàn tay khéo léo ấy.  Người chị lớn mỉm cười nhìn các em mình há miệng vừa nhìn vừa nghe rồi dịu dàng đem cây đàn ghi-ta ra gảy, ánh mắt bỗng rực sáng những ước mơ thời tuổi trẻ. Rồi điện, rồi ti vi, rồi máy vi tính kéo qua những thôn xóm bây giờ là đô thị. Những đứa trẻ bây giờ không thích ngồi chơi với ba mẹ nữa. Nhỏ thì xem hoạt hình Walt Disney trên những kênh truyền hình cáp 24/24. Lớn thì dán mắt trên màn hình máy tính chơi trò chơi điện tử. Lớn hơn chút nữa thì tụ tập ở những quán cà phê nhạc xập xình hay ở những quán karaoke dày đặc khói thuốc và mùi rượu bia. Còn những ông bố bà mẹ, sau một ngày làm việc vất vả, ánh mắt lại đau đáu về sự học hành và tương lai của các con. Và để lo cho tương lai đó, để cho chắc chắn cái không thể biết trước đó, họ lại hối thúc mình làm ra nhiều tiền hơn nữa, để đưa đứa nhỏ học trong các trung tâm Anh ngữ vào hai ngày cuối tuần, để đứa lớn học phụ đạo ở trường vào buổi chiều và học thêm với gia sư vào buổi tối, để cả nhà đi mua  sắm thường xuyên hơn cho nhà cửa tiện nghi và đầy đủ hơn. Nhưng đổi lại được gì?...một cảm giác chênh vênh và thiếu cân bằng cho tất cả các thành viên? Con cái cha mẹ cả ngày không gặp được nhau đến một lần? Mấy đứa nhỏ đi học đến tối mịt mới về đến nhà, hàng trăm câu hỏi thắc mắc cho cái tuổi đang lớn cứ lặng dần lặng dần rồi lọt thỏm trong căn nhà rộng rãi tối om vì ba mẹ tắt đèn ngủ sớm?

Học, học và học đi con… Dù có thể ba mẹ và con không biết thực sự học để làm gì cho tương lai của chính con hay con và bản thân mình thích gì và muốn như thế nào về cuộc sống của gia đình mình.

Tiếng nói chuyện vồn vã  bằng một ngôn ngữ khác của những người bộ hành bên cạnh làm tâm trí chị tỉnh thức. Đã đến lúc tạm biệt khu cắm trại Bogstad với cái mướt xanh của những thảm cỏ chạy dọc đồi dốc, với lỗ chỗ những chiếc xe camping màu trắng của xứ Bắc Âu và với những tán cây rộng xum xuê xào xạc lá vàng soi bóng bên những hồ nước trong veo nhưng đen thẳm ở đây. Thấy mình lâng lâng một niềm hạnh phúc dịu dàng và yên bình bên cạnh gia đình mới. Cảm thấy biết ơn hết mức với sự lựa chọn của cả nhà!

Lại nghĩ, rồi một ngày mỗi người sẽ có câu trả lời cho sự lựa chọn của mình về thời gian. Hi vọng đó sẽ là câu trả lời khiến họ cảm thấy hạnh phúc…

Oslo ngày 14 tháng 09 năm 2010

3 nhận xét:

  1. Hi Nhung,
    Bài viết ấn tượng lắm. Chúc Nh viết đều tay và ngày càng lên tay nhé. Enjoy Oslo và gia đình mới!

    Trả lờiXóa
  2. Nhieu cam xuc qua nha chi Da!!! Khong biet den biet danh nay hehe
    Doc xong, thay nhieu cam xuc ve 1 thoi da xa quay tro lai, tu thay xot xa va luu luyen! Thay chi N hanh phuc, trong em cung ron rang, hao huc ve 1 tuong lai khogn qua xa cua em voi 1 gia dinh moi ^ ^

    Trả lờiXóa
  3. @Dung: Giờ mới nhớ ra gia đình em có số lượng nữ chiếm gần như tuyệt đối giống nhà chị nhỉ.Đúng là "thời oanh liệt nay còn đâu"! Sao thấy thương trẻ con bây giờ, không có nhiều những phút giây yên tĩnh như mình hồi xưa. Về cái sự háo hức, tiếp tục lên kế hoạch dài hơi. Cứ tin đi rồi một ngày sẽ enjoy không khí gia đình mới và gia nhập hội trồng rau với chị.

    Trả lờiXóa